Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

5 cách uống rượu bia để không say


Đừng uống “tạp”
             Trộn lẫn nhiều loại đồ uống là kẻ thù tồi tệ nhất cho cơ thể, chưa nói đến chuyện say. Lý do, mỗi loại rượu có chứa các chất phụ gia, hương liệu, các tác nhân khác nhau và khi trộn lẫn sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể.
Rượu mạnh: Chọn màu sáng
             Nên chọn rượu nhẹ bởi rượu càng nặng như whisky, bourbon hay tequila... thì nồng độ độc tố, đặc biệt là độc tố đồng giống (congener) càng cao, nó được hình thành trong quá trình lên men và chưng cất.
             Những độc tố này là thủ phạm gây say, nôn nao và nhiều hệ lụy khác. Nếu uống rượu mạnh thì nên chọn rượu sáng màu để giảm độc tố.
Uống đủ nước
             Rượu làm cơ thể mất nước, dẫn đến mau say, nên cần bổ sung nước trong khi đang uống rượu bia.
             Rượu là đồ uống lợi tiểu, gây đi tiểu nhiều, dẫn đến mất nước và mất nước là một trong những nguyên nhân chính của triệu chứng say rượu như khát, chóng mặt và nhức đầu.
            Do đó, uống nước khi uống rượu là để giảm say, chống mất nước cho cơ thể. Nên uống 1 cốc nước đầy trước khi uống rượu.

Tránh tương tác
             Tránh dùng đồ uống "ăn kiêng" cùng với rượu, ví dụ như đồ uống nước chanh hoặc cola để hạn chế lượng cồn hấp thụ vào máu.
             Nếu có thể nên dùng nước ép trái cây, hay nước trái cây không có gas. Đồ uống này có tác dụng cung cấp vitamin và không gây tổn thương cho cơ thể.

“Biết mình”
            Nên biết "lượng tửu" của bản thân, để không vượt qua giới hạn. Nếu vượt qua ngưỡng này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xấu. gây tích độc cho cơ thể, không làm chủ bản thân, nhất là sau đó phải làm việc hoặc điều khiển phương tiên giao thông.
            Nôn nao là dấu hiệu tự mỗi người nhận biết để dừng lại. Ngoài ra cũng không nên uống cấp tập nhiều bữa rượu trong thời gian ngắn hoặc trong một ngày.
            Hãy tự rút kinh nghiệm về mức độ ảnh hưởng của các loại rượu khác nhau. Lắng nghe các phản ứng cơ thể để rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho lần uống tiếp theo.

Kiêng kỵ khi uống rượu
§  Tránh hút thuốc lá khi đang uống rượu, nó gây siết phổi và làm giảm lưu lượng oxy trong máu.
§  Khi đang uống rượu nên dùng phomát và dùng nhóm thực phẩm dạng hạt vì chúng có hàm lượng chất béo cao, làm chậm sự hấp thu của rượu.
§  Lượng rượu tiêu thụ khuyến cáo là 12 aoxơ bia = 5 aoxơ rượu = 1,5 aoxơ rượu mạnh (1 aoxơ = 28,35 gam).
§  Một số người có kinh nghiệm giảm say bằng cách uống một viên nang kế sữa giúp làm giảm triệu chứng say nôn nao. Chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định điều này nhưng  thực tế đã có người sử dụng thành công để chống say rượu.
§  Sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để chống say rượu là không thực tế, chúng chỉ có tác dụng giảm bớt tác động nôn nao.

                                                                        Khắc Nam (theo WP/Askmen)


Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Đổi thói quen ăn tết lấy sức khỏe


            Tết cổ truyền là dịp nghỉ kéo dài nhất trong năm, tạo cơ hội cho gia đình sum vầy, mọi người thăm viếng, tiệc tùng,… Để không bị tăng cân do ăn uống dư năng lượng, tránh bội thực và chấn thương do say xỉn, chúng ta nên thay đổi một số thói quen và tuân thủ những nguyên tắc chung.

Ăn uống điều độ, đúng cách
         Tết là thời điểm các gia đình có nhiều thực phẩm nhất trong năm. Nên có kế hoạch phân chia luân phiên giữa các món ăn chiên xào và ăn nhẹ cháo, súp; tăng cường dùng rau củ quả, trái cây, dùng bánh, mứt, rượu, bia vừa phải (nhấm nháp, không quá no say). Để tránh ngộ độc thực phẩm, nên mua đồ ăn có hạn dùng xa và từ các cơ sở uy tín. Thức ăn nấu chín để trong điều kiện bình thường chỉ nên dùng trong ngày và mỗi lần dùng phải hâm nóng. Tủ lạnh nên ở nhiệt độ bằng hoặc dưới 4 độ C, không để lẫn lộn thực phẩm đã nấu chín với chưa nấu. Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, mang găng tay. Rửa sạch rau củ quả để tránh mầm bệnh và thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản…
       Thói quen ăn tết như ngày xưa cần thay đổi cho phù hợp hơn với điều kiện mới, vì nguồn thực phẩm của nhiều loại hàng truyền thống đã khác xưa, món ăn đa đạng hơn và dịch vụ món ăn làm sẵn phổ biến hơn, nguồn cung thực phẩm dồi dào. Khi đãi khách, hạn chế sử dụng rượu, bia, thay bằng nước lá trà tươi hoặc trà sấy khô, nước ép trái cây tươi hoặc nước trái cây lên men… vốn có lợi cho gia đình và cả khách. Phân chia lịch thăm viếng các nơi, tránh quá chén, bội thực trong các ngày Tết.

Những người cần chăm sóc kỹ

Người có bệnh mãn tính: 
       Cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, bệnh lý dạ dày có tăng tiết dịch vị, gút, đau khớp nên tuân thủ triệt để chế độ ăn hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ, cũng như chế độ dùng thuốc, tránh dùng rượu, bia và nên có kế hoạch ăn uống rõ ràng, không dùng nhiều bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ
kiệu, tôm khô, lạp xưởng, vịt lạp, bánh mứt. Tăng cường ăn trái cây, rau quả tươi, dùng trà thay rượu.
Người cao tuổi: 
       Hệ tiêu hóa, sức nhai kém nên cần nhai kỹ, ăn làm nhiều bữa nhỏ, ăn đạm vừa phải, ít béo, uống nước nhiều lần, uống nước ép trái cây, trà tốt hơn rượu, bia. Gia đình nên hỗ trợ người cao tuổi lập lịch kiểm soát bữa ăn vào ngày Tết. Theo tài liệu của hội Dinh dưỡng và thực phẩm TP.HCM, một cái bánh chưng nặng 1 kg cung cấp khoảng 2.000 Kcalo. Bánh tét cũng tương đương, nếu vỏ bánh được xào và trộn dừa, hoặc bánh nhân thập cẩm thì năng lượng tăng thêm khoảng 30 – 50 Kcalo. Ở người cao tuổi, bữa chính chỉ cần 400 – 500 Kcalo (khoảng 1/5 cái bánh chưng lớn). Nên ăn cháo hạt sen, đậu đỏ, đậu đen... Tăng cường đạm từ cá, đậu nành, nấm.

Người ăn kiêng, phụ nữ: 
       Tăng cường sử dụng cháo, súp hạt sen, đậu xanh, đạm từ nấm, đậu nành, rau củ, trái cây tươi, nước trà… để tránh tăng cân.

Trẻ em: 
       Cho ăn và ngủ đúng giờ, tôn trọng giờ giấc sinh hoạt của trẻ. Tăng cường ăn rau quả tươi, tăng vận động, tránh ngồi xem tivi hay chơi game liên tục, uống nhiều nước. Hạn chế nước ngọt, nước có ga, bánh mứt, kẹo để tránh béo phì sau tết.

Người đi du lịch:
      Cần mang theo đủ thuốc dùng thông thường cho cảm, ho, tiêu chảy, dị ứng, thuốc cho bệnh mãn tính. Mặc đủ ấm nếu đi xứ lạnh. Cẩn thận khi ăn uống vì dễ bị dị ứng, thông báo với hãng lữ hành nếu cần ăn kiêng, có bệnh mãn tính, dị ứng thức ăn để có kế hoạch, chuẩn bị nước uống đủ, cẩn thận không ăn quá nhiều mì gói, thịt hộp vì có nhiều muối. Nên ăn trái cây, rau quả tươi, uống sữa tươi đầy đủ.

Đừng để cái miệng vạ cái thân
         Món ăn ngày tết khá phong phú, đa dạng. Để chuyện ăn uống không làm mất vui, hại sức khỏe, chúng ta cần lưu ý mấy điều:
Đề phòng ngộ độc rượu: 
       Uống rượu bia ít, không uống lúc bụng đói, uống từ từ và tùy theo thể trạng (người gầy ốm hay không có nhiều cơ bắp sẽ có mức dung nạp rượu thấp hơn). Không uống quá hai lon bia/ngày ở nam và một lon bia/ngày ở nữ. Uống rượu bia lúc bụng đói hoàn toàn hoặc uống quá nhanh sẽ làm nồng độ cồn trong máu đạt đỉnh nhanh chóng, dẫn đến ngộ độc
.
Để ăn không lên ký: 
       Hạn chế ăn nhiều chất béo, nên uống trà xanh tự nhiên (trà xanh chứa chất catechins giúp giảm hấp thu chất béo), ăn nhiều thực phẩm có chất xơ (đặc biệt là chất xơ hòa tan cao có nhiều trong táo, cam, quýt, bưởi và các họ đậu hạt… giúp giảm cholesterol), tiêu thụ thực phẩm giàu chitosan (trong vỏ tôm, cua, ghẹ... giúp giảm hấp thu mỡ trong đường tiêu hóa).

Sáng tạo thực đơn: ngoài các món truyền thống như măng hầm, thịt kho tàu, phá lấu, khổ qua hầm... với chất đạm chủ yếu từ trứng, thịt heo và giò heo, nên sáng tạo các món mặn được chế biến từ các loại đạm dễ tiêu, ít chất béo, ít cholesterol có lợi cho sức khỏe như các món với cá, tôm và thịt gà, vịt (bỏ da). Có thể chế biến món cá nướng, tôm hấp, gà luộc, lẩu..., không chỉ thay đổi khẩu vị ngày tết mà còn giúp nhẹ bụng, dễ tiêu.
                              ThS.BS Trần Quốc Cường (Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)


Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Bệnh nghiện rượu: một nguy cơ tiềm ẩn (bài 2)




Biến chứng của bệnh nghiện rượu
        Rượu ức chế hệ thần kinh trung ương. Ở một số người, phản ứng ban đầu có thể là gây hưng phấn. Nhưng khi tiếp tục uống, người ta trở nên trầm xuống. Rượu làm giảm sự tự kềm chế và ảnh hưởng đến ý nghĩ, cảm xúc và khả năng suy xét của người uống.
        Uống quá nhiều rượu sẽ ảnh hưởng đến lời nói, sự phối hợp các bắp thịt và các trung tâm tối quan trọng của óc. Uống một lúc quá nhiều rượu (binge drinking) có thể gây ra hôn mê nguy hiểm đến tính mạng. Nếu đã có vấn đề uống rượu, người ta dễ có vấn đề với các chất khác, thí dụ như ma túy.
       Uống rượu quá mức có thể làm giảm khả năng suy xét và giảm sự tự kềm chế, đưa đến những lựa chọn nguy hiểm hay những tình huống hoặc hành vi nguy hiểm như:

-Tai nạn xe hơi và các loại tai nạn khác
-Vấn đề trong gia đình
-Hiệu suất kém ở chỗ làm việc hay trường học
-Tăng nguy cơ phạm tội bạo lực
           Vấn đề sức khỏe do uống rượu quá mức có thể gồm:
-Bệnh gan. Uống nhiều rượu có thể gây ra viêm gan do rượu. Sau nhiều năm nghiện rượu, viêm gan có thể đưa đến việc gan bị phá hủy không chữa được và sẹo của mô tế bào gan tức bệnh xơ gan.
-Vấn đề tiêu hóa. Uống nhiều rượu có thể gây ra viêm bao tử, loét bao tử và thực quản cũng như cản trở việc hấp thu vitamin B và các chất dinh dưỡng khác. Uống nhiều rượu có thể làm hư tụy tạng, cơ quan sản xuất kích tố giúp sự biến dưỡng và tiết ra chất phân hóa tố giúp tiêu hóa, và gây ra viêm tụy tạng.
-Vấn đề về tim. Uống rượu quá mức có thể gây ra cao huyết áp cao và làm tăng nguy cơ bị lớn tim, suy tim hoặc đột quỵ.
-Biến chứng bệnh tiểu đường. Rượu gây trở ngại cho việc thải glucose từ gan khiến tăng nguy cơ đường trong máu hạ thấp. Nếu bạn có bệnh tiểu đường và đang dùng insulin để hạ thấp lượng đường trong máu thì điều này rất nguy hiểm.
-Giảm khả năng tình dục và rối loạn kinh nguyệt. Uống rượu quá mức có thể gây ra bệnh bất lực ở nam giới. Ở phụ nữ, nó có thể làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt .
-Vấn đề về mắt. Uống nhiều rượu sau một thời gian dài có thể bệnh mắt lay động (nystagmus) cũng như suy yếu và tê liệt các cơ mắt do sự thiếu hụt vitamin B -1 (thiamine).
-Dị tật bẩm sinh. Uống rượu trong khi mang thai có thể gây ra hội chứng “rượu bào thai” (fetal alcohol syndrome), đứa bé sinh ra sẽ có vấn đề thể chất và chậm phát triển kéo dài suốt đời.
-Mất xương. Rượu có thể gây trở ngại trong việc sản xuất xương mới, đưa đến việc xương bị rỗng, tăng nguy cơ gãy xương.
-Biến chứng thần kinh. Uống rượu quá nhiều có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây tê và đau ở bàn tay và bàn chân của bạn , suy nghĩ rối loạn, lẩn và mất trí nhớ ngắn hạn.
-Hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Uống quá nhiều rượu làm cơ thể khó chống lại bệnh tật, làm cho bạn dễ bị bệnh .
-Tăng nguy cơ ung thư . Uống rượu quá mức dài hạn có liên quan đến nguy cơ ung thư, như ung thư miệng, cổ họng, gan, ruột già và ung thư vú. Thậm chí uống vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
         Uống rượu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho nhiều thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. 

Trong nhóm tuổi này :
-Tai nạn xe hơi liên quan đến rượu là một nguyên nhân chính gây tử vong.
-Rượu thường là nguyên nhân gây các tử vong khác như chết đuối, tự tử và giết người.
-Uống rượu khiến người ta dễ hoạt động tình dục, quan hệ tình dục thường xuyên hơn, tham gia vào các quan hệ tình dục không có sự bảo vệ, và trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục hoặc hiếp dâm, so với những người không uống.
-Sử dụng rượu có thể dẫn đến chấn thương do tai nạn, tấn công và thiệt hại tài sản .

Định bệnh nghiện rượu
            Theo sách Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM) của Hiệp Hội Bệnh Tâm Thần Hoa Kỳ, định bệnh nghiện rượu cần có 3 hay nhiều hơn những triệu chứng sau đây trong 12 tháng:
-Ghiền: Bệnh nhân ngày càng phải tăng lượng rượu uống để say. Tuy nhiên nếu gan hay hệ thần kinh đã hư thì lượng rượu cần để say lại giảm xuống.
-Triệu chứng cai nghiện xảy ra khi bệnh nhân giảm hay ngưng uống: tay chân rung rẩy, không ngủ được, buồn nôn, bứt rứt. Bệnh nhân có thể phải uống nhiều hơn để tránh bị những triệu chứng này, có thể uống cả ngày luôn.
-Uống nhiều hơn hay lâu hơn là đã định.
-Tiêu rất nhiều thì giờ để uống rượu, tìm rượu hay giã say.

Phương pháp điều trị và thuốc
          Nhiều người nghiện rượu ngần ngại đi chữa bệnh vì họ không nhìn nhận là họ có vấn đề với rượu. Những người thân yêu của bệnh nhân có thể can thiệp để giúp họ nhận ra vấn đề và chấp nhận rằng họ cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Nếu bạn cảm thấy lo lắng cho một người bạn hoặc người thân trong gia đình đang uống quá nhiều, nên nói chuyện với một chuyên gia để học được cách đến nói với người đó.

         Có nhiều các phương pháp điều trị khác nhau. Tùy theo hoàn cảnh, điều trị có thể chỉ là một can thiệp ngắn gọn, lời khuyên cho cá nhân hoặc nhóm, một chương trình iều trị ngoại trú, hoặc phải ở nội trú.
          Bước đầu tiên là xác định bệnh nhân có vấn đề với rượu. Nếu bạn không bị mất kiểm soát đối với việc sử dụng rượu, điều trị có thể chỉ là giảm uống rượu. Nếu bạn đã trở thành nghiện, chỉ cắt giảm uống rượu sẽ không hiệu quả. Mục tiêu chính của việc chữa trị là làm ngưng hẳn việc uống rượu để phẩm chất cuộc sống tốt đẹp hơn.


Điều trị nghiện rượu gồm có:
-Cai nghiện trong bệnh viện hay một trung tâm chuyên cai nghiện.
-Điều trị tâm lý. Tham gia nhóm hỗ trợ cho chính bệnh nhân và gia đình
-Thuốc uống hay chích
-Điều trị những bệnh kèm theo như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh gan và bệnh tim
-Thực hành tâm linh . Những người có liên quan với một số loại thực hành tâm linh thường xuyên có thể tìm thấy nó dễ dàng hơn để duy trì phục hồi từ nghiện rượu hoặc nghiện khác . Đối với nhiều người , đạt cái nhìn sâu sắc hơn vào khía cạnh thiêng liêng của họ là một yếu tố quan trọng trong phục hồi.

Tự giúp
         Bệnh nhân muốn trị dứt nghiện rượu cần phải thay đổi thói quen và lựa chọn một lối sống khác.
-Tình trạng xã hội: Cho mọi người biết rõ là bạn sẽ không uống nữa. Có thể cần phải xa lánh các bạn bè cũ và các tình huống xã hội dễ quyến rũ bạn uống lại.
-Tập những thói quen lành mạnh như ngủ đủ, hoạt động thể lý thường xuyên và ăn uống đầy đủ.
-Làm những việc không liên quan đến rượu. Có rất nhiều hoạt động thường liên quan đến uống rượu như họp mặt, tiệc tùng... Nên thay thế bằng những thú tiêu khiển không xoay quanh chai rượu.

Những cách điều trị khác
       Một số cách điều trị khác có thể hữu ích, thí dụ như :
-Yoga: Có thể giúp bạn thư giãn, bớt căng thẳng.
-Thiền định. Sự tập trung, loại bỏ các dòng suy nghĩ tràn ngập tâm trí gây ra căng thẳng, có thể giúp ích
-Châm cứu giúp giảm lo âu và trầm cảm.

Đối phó và hỗ trợ
          Nhiều người bị bệnh nghiện rượu và gia đình của họ thấy rằng tham gia vào các nhóm hỗ trợ là cách thiết yếu để đối phó với căn bệnh này, ngăn chặn hoặc đối phó với việc tái phát bệnh, và giúp tỉnh rượu.

-Alcoholics Anonymous(AA) là một nhóm tự giúp của những người đang hồi phục từ chứng nghiện rượu . AA cung cấp một nhóm cùng nhau muốn tỉnh rượu, một cách hiệu quả để đạt được tỉnh rượu hoàn toàn. Chương trình AA được xây dựng trên 12 bước, là những gợi ý thằng thắn cho những người muốn chọn cuộc sống tỉnh rượu. 12 bước này giúp người nghiện rượu chấp nhận sự bất lực của họ trước con sâu rượu. Những bước này nhấn mạnh sự cần thiết phải trung thực về quá khứ và hiện tại.
           Sự phục hồi trong AA dựa trên việc chấp nhận các kinh nghiệm riêng biệt của mỗi người. Qua việc lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện , những người có vấn đề uống rượu hoặc phụ thuộc vào rượu nhận biết họ không cô đơn mà có nhiều người khác cùng cảnh ngộ với họ. AA không có tổn phí cho thành viên hoặc bắt buộc phải theo 12 bước - chỉ yêu cầu người bệnh có ý chí muốn tỉnh rượu.


-Al -Anon và Alateen dành cho những người bị ảnh hưởng bởi chứng nghiện rượu của người thân. Trong việc chia sẻ câu chuyện, họ có được một hiểu biết lớn hơn về cách bệnh nghiện rượu ảnh hưởng đến cả gia đình. Al -Anon chấp nhận 12 bước của AA như những nguyên tắc mà người tham gia phải sống theo. Al-Anon nhấn mạnh sự cần thiết phải biết buông bỏ và tha thứ. Trong nhiều cộng đồng, có nhóm Alateen dành cho con cái tuổi thiếu niên của những người nghiện rượu.
          Bác sĩ hoặc nhân viên tâm lý có thể giới thiệu bạn đến một nhóm AA hoặc các nhóm hỗ trợ địa phương khác. Các nhóm này cũng thường được liệt kê trong danh bạ điện thoại , trên báo chí địa phương và trên trang mạng.

Ngăn ngừa
           Can thiệp sớm có thể ngăn ngừa chứng nghiện rượu ở tuổi thiếu niên . Đối với những người trẻ, nguy cơ nghiện rượu phụ thuộc vào ảnh hưởng của cha mẹ, bạn bè và các mẫu mực khác, ảnh hưởng của các quảng cáo rượu, thời gian bắt đầu uống rượu, các nhu cầu tâm lý đối với rượu và yếu tố di truyền.Những dấu hiệu và triệu chứng có vấn đề với rượu ở tuổi thiếu niên:
-Không còn quan tâm tới các hoạt động, sở thích và bề ngoài
-Mắt đỏ ngầu, nói không rõ, có vấn đề phối hợp hoạt động của cơ thể và trí nhớ
-Gặp khó khăn hoặc thay đổi trong mối quan hệ với bạn bè, chẳng hạn như tham gia một nhóm bạn mới
-Điểm học xuống và có vần đề trong trường
-Thay đổi tâm trạng thường xuyên, tự biện hộ
               Chúng ta có thể giúp ngăn chặn việc sử dụng rượu ở tuổi teen. Bắt đầu bằng cách làm gương tốt trong việc sử dụng rượu, tức uống có chừng mực hoặc không uống. Nói chuyện cởi mở với con, dành thời gian cho con, và tích cực tham gia vào cuộc sống của con. Hãy để con của bạn biết các hành vi tốt bạn mong đợi nơi cháu - và những hậu quả cháu phải lãnh chịu nếu cháu không tuân theo các quy luật bạn đã đề ra.


Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Khi nào bạn cần thực phẩm chức năng?


Là khi bác sĩ của bạn cho là cần thiết, theo dược sĩ Nguyễn Vũ Thuỳ Anh.
                  Với các kiểu quảng cáo hoa mĩ đầy hứa hẹn về những tác dụng thần kỳ của sản phẩm, như giúp hỗ trợ điều trị tất cả các bệnh mà con người mắc phải, người tiêu dùng ngày càng bị dẫn dắt, thuyết phục và dẫn đến việc có nhận thức sai lệch về công dụng thực sự của các sản phẩm thực phẩm chức năng.

Cần phân biệt giữa thực phẩm chức năng và thuốc
                  Người tiêu dùng cần nhận thức rõ thực phẩm chức năng KHÔNG phải là thuốc. Thực phẩm chức năng không có những hoạt chất có tác dụng dược lý giúp điều trị và phòng ngựa bệnh như thuốc. Trong bất kì trường hợp nào, thực phẩm chức năng cũng không thể thay thế được thuốc.
                 Người tiêu dùng đừng nên tin vào những tác dụng chữa bệnh kì diệu trên quảng cáo.Điều đó là không thể. Đặc biệt đối với những bệnh quan trọng như mỡ trong máu, ung thư, tim mạch, tai biến mạch máu não, người bệnh cần phải đi khám bác sĩ và uống thuốc theo đơn bác sĩ, không nên tự chữa trị hay tự ý thay thế thuốc bằng các thực phẩm chức năng vì hậu quả sẽ rất khó lường.
Những thành phần chứa trong thực phẩm chức năng
§  Vitamine, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng
§  Lợi khuẩn
§  Thành phần tự nhiên như cây cỏ hay những thành phần gia truyền
§  Những chất khác có giá trị dinh dưỡng và sinh lí
§  Những chất phụ gia, bảo quản... ( có thể gây dị ứng cho người dùng)
§   
Những nguy có thể gặp phải khi tự sử dụng thực phẩm chức năng
1. Không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm:
              Hiện trên thị trường tồn tại vô vàng những mặt hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Chất lượng sản phẩm cũng rất khó đánh giá, ngay cả với những mặt hàng biết rõ xuất xứ vì các chuẩn được đặt ra để có thể kiểm tra, đánh giá những thực phẩm chức năng trên thị trường còn rất hạn chế.
2. Giá cả:
             Đôi khi, người mua sẽ phải trả một giá quá đắt cho những sản phẩm mà không được khoa học thừa nhận. Thậm chí, tiền mất tật mang.
3. Sử dụng quá liều:
            Trong một số trường hợp, những thành phần dinh dưỡng mà thực phẩm chức năng mang đến cho cơ thể vượt quá những nhu cầu cần thiết hàng ngày của cơ thể.Một thành phần, vitamin D chẳng hạn, vừa có mặt trong sản phẩm này vừa có mặt trong sản phẩm kia, khi dùng nhiều sản phẩm cùng lúc sẽ dẫn đến quá liều vitamin D, gây sỏi thận.

4. Làm bệnh tình nặng thêm:
§  Những quảng cáo về thực phẩm chức năng dễ làm lung lạc lòng người về những lợi ích cho sức khỏe. Người bệnh tin tưởng vào các tác dụng được quảng cảo và lầm tưởng với thuốc như nêu trên. Người tiêu dùng cần lưu ý rằng thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh và càng không phải lá một phương thuốc diệu kì khiến bách bệnh tiêu tán hay vạn bệnh tiêu trừ.
§  Thực phẩm chức năng chứa rất nhiều những thành phần khác nhau. Một thực phẩm chức năng được sử dụng cho tác dụng này có thể âm thầm khiến một bệnh tình khác trở nặng thêm.
Ví dụ. Tảo biển Nhật Bản được mua cho mục đích làm đẹp da. Nhưng vì tảo biển cơ bản chứa nhiều iode nên có thể gây ra những rối loạn cho những người có bệnh về tuyến giáp.
5. Tương tác với thuốc:
             Việc sử dụng đồng thời thuốc và thực phẩm chức năng có thể làm giảm tác dụng của thuốc hoặc tăng tác dụng phụ của thuốc.
Ví dụ: Dùng song song các thuốc thuộc nhóm statine và men gạo đỏ có thể làm tăng nguy cơ tổn thương cơ.

Khi nào cần dùng thực phẩm chức năng?
              Đa phần các chất dinh dưỡng trong thực phẩm chức năng đều có thể tìm thấy trong thức ăn hàng ngày. Vậy nên, một chế độ ăn dinh dưỡng, đầy đủ và đa dạng sẽ khiến cơ thể có được những nhu cầu cần thiết.
             Tuy vậy, không phải mọi thức phẩm chức năng đều xấu. Chỉ có điều cần biết cách chọn lựa và sử dụng phù hợp.
             Cơ thể mỗi người đều đòi hỏi những nhu cầu riêng. Cuộc sống bận rộn hay mệt mỏi có thể khiến ta lơ là việc ăn uống, dẫn đến thiếu hụt những chất dinh dưỡng cần thiết. Hoặc một vài trường hợp bệnh lý cần những bổ sung đặc biệt cho cơ thể. Thực phẩm chức năng có thể được sử dụng trong những trường hợp này, dưới sự tư vấn của bác sĩ hay dược sĩ.
             Tóm tắt lại, người tiêu dùng không nên tự mình mua và sử dụng những thực phẩm chức năng. Người tiêu dùng nên hỏi ý kiến bác sĩ hay dược sĩ trước khi quyết định để có được những lời khuyên khoa học, phù hợp với từng thể trạng của mình.

                                                                        Dược sĩ Nguyễn Vũ Thuỳ Anh


Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Chuột chũi - chìa khóa chữa ung thư mới



          Các nhà khoa học đã thực hiện một bước đột phá trong việc tìm ra cách chữa bệnh ung thư có khả năng thay đổi cuộc sống.
           Các nhà nghiên cứu tin rằng các tế bào miễn dịch ung thư của một loài gặm nhấm có thể là chìa khóa để ngăn chặn căn bệnh giết chết 8 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm này.
           Trong 16 năm, nhóm nghiên cứu khoa học chưa bao giờ tìm thấy một khối u ung thư nào trên chuột – loài sống lâu hơn động vật gặm nhấm khác ít nhất 20 năm.
 Các nhà khoa học tin rằng một chất tiết ra từ các tế bào của chuột chũi có thể tiêu diệt ung thư ở người.
           Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thực tế những con chuột sống chủ yếu dưới lòng đất sẽ có sự tiến hóa cao hơn về quá trình trao đổi chất của chúng.
          Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã thử nghiệm chất gây ung thư mạnh ở động vật gặm nhấm bình thường và những con chuột sống dưới lòng đất.            Trong khi khối u phát triển ở những con chuột bình thường thì các nhà khoa học lại không tìm thấy dấu hiệu ung thư nào trên những con chuột chũi. Họ kết luận rằng chuột chũi không chỉ có khả năng kháng ung thư tự nhiên mà còn có thể được dùng trong thực nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ung thư.
           Công bố trên BMC Biology, họ nói: "Khám phá cơ chế phân tử cho phép chuột chũi tồn tại trong môi trường khắc nghiệt và thoát khỏi ung thư cũng như để tiêu diệt tế bào ung thư là chìa khóa nắm giữ bản chất phân tử của kháng ung thư tự nhiên và để xác định chiến lược chống ung thư mới trong việc điều trị cho con người".
             Theo Express, Giáo sư Sam Ahmedzai - chuyên gia chăm sóc ung thư - ca ngợi điều này như là "giai đoạn mới thú vị của nghiên cứu”, và rằng nó có thể dẫn đến phương pháp điều trị tiềm năng có khả năng sống sót cao.

                                                                                    Đặng Thủy (Kiến thức)